Theo ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VSA, vấn đề tiêu thụ thép phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước. Trong năm 2016, GDP được dự báo sẽ tăng khoảng 6,2%. Với mức tăng này, ngành thép được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 10-12% trong năm 2017. Đáng chú ý, trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có 10 dự án thép được đưa vào hoạt động. Điều này cũng sẽ góp phần thúc đẩy ngành thép tăng trưởng trong thời gian tới.
Tập kết phôi thép tại Công ty cổ phần cán thép Gia Sàng, Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN
Tuy nhiên, trong năm 2017, ngành thép Việt Nam tiếp tục gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, đặc biệt là Trung Quốc. Một số sản phẩm thép như thép cuộn cán nóng chưa sản xuất được trong nước bắt buộc doanh nghiệp phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, với việc Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, rào cản thuế nhập khẩu sẽ dần trở về 0%. Các sản phẩm thép Việt Nam khi xuất qua các thị trường này phải đối mặt với các hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo VSA, mặc dù sản xuất thép trong năm 2016 gặp rất nhiều khó khăn, song ngành thép vẫn có sự tăng trưởng khá lớn. Sản xuất phôi thép dự báo sẽ tăng 20% so với năm 2015 và các loại thép khác cũng tăng khoảng 15%.
Liên quan đến các Hiệp định thương mại, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác sẽ phải sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại và hàng rào kỹ thuật để hạn chế việc nhập nhẩu thép, hỗ trợ nhà sản xuất nội địa theo cam kết của WTO. Hiện ngành thép Việt Nam đang làm hồ sơ 5 vụ kiện liên quan đến việc chống trợ cấp, chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép cuộn không gỉ cán nguội, phôi thép, thép dài… của các nước nhập vào nước ta.
)H.Chung (TTXVN)